Lựa chọn filter chụp phong cảnh

– Khi bạn nghĩ đến chuyện sắm cho mình một chiếc máy ảnh thì điều đó không có nghĩa là bạn chỉ ra cửa hàng mua đúng mỗi cái máy ảnh về mà bạn cần phải đầu tư cho rất nhiều thứ khác xung quanh nó ví dụ như: túi đựng, balo, tủ chống ẩm, tripod, filter … Những thứ trước thì rất dễ rồi dù một người chưa từng chụp ảnh cũng đều biết chúng dùng để làm gì và tác dụng là gì. Tuy nhiên với Filter thì đó lại là một thứ chuyên dụng hơn mà đa phần các bạn mới đến với nhiếp ảnh đều không biết nó là gì và tác dụng của nó ra sao. Ở bài viết này DigitalZone sẽ chia sẻ đến với mọi người kiến thức cơ bản về filter và cách lựa chọn filter như thế nào cho phù hợp với nhu cầu chụp hình phong cảnh.

  • Filter là gì ?

– Filter hay còn gọi là kính lọc là một thấu kính được đặt phía trước cảm biến của máy ảnh dùng lọc ánh sáng đi vào cảm biến để có được những hiệu ứng khác nhau.

  • Các loại filter dùng để chụp phong cảnh

– Có rất nhiều loại filter và mỗi loại đều có công dụng riêng cho mình. Ở đây mình sẽ giới thiệu qua các loại filter bạn thường sử dụng nhất:

  1. Filter CPL (Circular Polarizing filter): Là loại filter hiệu ứng thông dụng mà bạn sẽ được nghe tới khá nhiều.

    – Filter này có tác dụng ngăn những tia sáng từ các hướng không mong muốn đi vào máy ành với mục đích khử bóng và giảm flare. Nó được cấu tạo từ 1 hay 2 lớp thấu kính và có thể xoay được nhằm điều chỉnh mức độ hiệu ứng. Với filter này khi bạn chụp mây trời hay thực vật sẽ giúp ảnh đẹp hơn rất nhiều do khử được bóng nắng đổ lên chủ thể giúp màu sắc tươi tắn hơn. Mình demo 1 ví dụ cho các bạn dễ hình dung (Lưu ý hiệu ứng của filter CPL là gần như không thể bắt chước được bằng cách hậu kỳ xử lý ảnh nhé)



  2. Filter ND (Neutral Density): Là loại filter có tác dụng làm giảm lượng ánh sáng đi vào máy ảnh cho khả năng chụp ở tốc độ thấp hơn mà vẫn không bị cháy sáng để có được những hiệu ứng chuyển động của chủ thể. FIlter này có thể có dạng vuông, dạng tròn với mức giảm sáng cố định và dạng tròn có thể xoay để điều chỉnh mức độ giảm sáng


    – Bạn có thể thấy những bức ảnh thác nước chảy mượt mà, sóng biển bền bồng như sương, hay mây cuộn lên từng lớp đều là sử dụng hiệu ứng tốc chậm của loại filter này.



    – Filter ND đươc phân loại dựa trên mức độ giảm sáng của nó với quy ước chung sẽ là:
Tốc chụp không filterND4ND8ND16ND32ND64ND128ND256ND1000
Mức độ giảm sáng-2EV-3EV-4EV-5EV-6EV-7EV-8EV-10EV
Ví dụ 1/2501/601/301/151/81/41/21s4s
EV nghĩa là Exposure Value ( giá trị phơi sáng). Tăng giảm 1EV nghĩa là tăng hoặc giảm 2 lần lượng ánh sáng đi vào máy ảnh. Ví dụ: Khi bạn đo sáng tốc chụp đúng sáng là 1/100s thì khi gắn thêm filter ND4 sẽ giảm cho bạn 2EV nghĩa là (1/100)x2x2=1/25s .(Bạn có thể làm tròn gần đúng)
  • Filter GND (Graduated Neutral Density): Filter GND là một biến thể của kính lọc ND. Nếu như Filter ND giảm cường độ sáng từ mọi nơi vào ống kính thì Filter GND có 2 phần một phần trong suốt và phần còn lại sẽ giảm ánh sáng đi vào máy. Filter GND sẽ giúp bạn cân bằng lại ánh sáng giữa vùng tối và vùng sáng trong tấm ảnh phong cảnh.
    – Ví dụ như khi bình minh thì bầu trời rất sáng còn mặt đất thì tối, lúc đó nếu không có filter thì bạn bắt buộc phải chịu để bầu trời cháy sáng hoặc mặt đất tối thui. Lắp Filter GND với phần vùng tối che bớt ánh sáng từ bầu trời sẽ giúp bạn giữ được chi tiết ở cả 2 vùng này.



    – Filter GND thường có mức độ giảm sáng của phần tối từ 2-4EV và được chia thành 4 loại:
    + GND soft: Với vùng chuyển mềm kéo từ giữa filter và đen dần về cạnh trên dùng chụp cảnh núi đồi hoặc thành phố nhiều tòa cao ốc với đường chân trời không thẳng.

    + GND hard: Với vùng chuyển cứng nằm ở giữa filter và phía trên đen đều dùng để chụp phong cảnh biển hoặc hồ khi đường chân trời thẳng

    + GND medium: Là một GND lai giữa Soft và hard với vùng chuyển mềm ở giữa filter và đen đều.

    + GND reverse: Với phần đen nhất nằm ở giữa filter và sáng dần về cạnh trên. Nó được sử dụng để chụp khoảnh khắc bình minh hoặc hoàng hôn khi mà mặt trời nằm ở ngay đường chân trời nên phía trên của bầu trời sẽ hơi tối
  • Filter Natural Night: Là một loại filter đặc biệt nó có tác dụng ngăn chặn ánh sáng từ bước sóng quang phổ của lưu huỳnh và natri có nhiều trong đèn đường và các tác nhân ô nhiễm sáng ban đêm giúp cho bức ảnh chụp đêm của bạn có màu sắc tự nhiên hơn chứ không bị ám vàng. Nó cũng giúp ích khi chụp ảnh dải ngân hà ở một số nơi ô nhiễm sáng vừa phải.

    Một số hình ảnh chụp bằng filter Nisi Natural Night:


  • Filter Protector và filter UV: Là một thấu kính trong suốt được gắn vào khung có ren để lắp trước ống kính với mục đích dùng để bảo vệ ống kính khỏi va chạm bụi bẩn trầy xước. Filter protector thì được làm bằng kính trong suốt thường chỉ phủ Nano chống bụi nước và sẽ cho lượng ánh sáng tối đa đi qua filter mà không bị ảnh hưởng gì.Filter UV về cơ bản là giống với filter Protector tuy nhiên có thêm lớp phủ UV để ngăn chặn tia UV đi vào làm hư máy ảnh (điều này rất có tác dụng với máy ảnh đời cũ cùng máy ảnh phim tuy nhiên ở với máy ảnh kỹ thuật số (KTS) ở thời điểm hiện tại thì không cần thiết vì Sensor máy ảnh KTS không sợ tia UV như máy ảnh phim). Với loại filter này thì bạn có thể đầu tư hoặc không tùy theo độ cẩn thận của bản thân.

  • Lựa chọn filter một cách hợp lý để chụp ảnh phong cảnh

– Sau khi đã tìm hiểu về các loại filter thì vấn đề sẽ là nên mua những loại filter nào cho bộ gear máy ảnh của chúng ta. Nếu bạn giàu – Ok mua hết là xong kiểu gì cũng có lúc dùng đến thiếu gì mua tiếp dư để đó. Tuy nhiên đa phần chúng ta đều nghèo cả mình cũng vậy nên phải đầu tư cho hợp lý và để làm được điều đó bạn cần trả lời những câu hỏi sau:

  1. Đầu tư bao nhiêu cho filter ?
    Đối với nhiếp ảnh phong cảnh thì Filter rất quan trọng và nó là một khoản đầu tư lâu dài. Bạn có thể đổi rất nhiều body máy ảnh, đổi ống kính tuy nhiên filter bạn xài vẫn chỉ có một bộ đó thôi nên hãy ráng tập trung cho nó trước. Mình không khuyên các bạn mua các loại filter rẻ tiền chất lượng thấp làm từ nhựa hoặc các lớp tráng phủ kém chất lượng vì điều này sẽ làm giảm chất lượng ảnh rất nhiều. Đừng mua loại rẻ tiền vì bạn sẽ tốn nhiều tiền hơn để đổi sang các loại filter tốt ngay sau đó. Ngoài ra bạn bỏ rất nhiều công sức ra để có được những khoảnh khắc đẹp có thể không xuất hiện lại lần nào nữa nên đừng để một tấm filter dỏm làm hư bức hình của mình. Nếu không đủ chi phí hãy mua trước 1 miếng filter cần nhất và đầu tư dần dần sau đó.
  2. Mua filter vuông hay filter tròn ?
    Đối với nhiếp ảnh phong cảnh bạn nên mua filter vuông vì nó sẽ giúp bạn kết hợp hiệu ứng của nhiều loại filter lại mà không làm tối góc bức ảnh của mình. Thông thường đối với một ảnh phong cảnh mình sẽ kết hợp từ 2 đến 3 loại filter để có kết quả tốt nhất. Đối với filter vuông bạn sẽ tốn thêm một khoản để mua Holder (là thiết bị giúp bạn gắn filter lên ống kính) tuy nhiên bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều vì khi bạn đổi ống kính thì vẫn sử dụng được cả bộ filter vuông cũ.


    3. Mua filter nào ?
    – Một bộ filter phong cảnh sẽ bao gồm filter ND + GND + CPL và nếu bạn hay chụp cảnh thành phố ban đêm hoặc Astrography thì bạn có thể cân nhắc đầu tư thêm filter Natural Night.

    Đối với Filter ND: Tùy theo nhu cầu chụp mà bạn sẽ cần từ 1 cho đến 3 Filter ND cho bộ gear của mình. Filter ND32 hoặc ND64 là 2 filter đa dụng nhất cho mọi thể loại ảnh phong cảnh. Sau khi đã có một trong 2 loại trên thì tùy nhu cầu bạn sẽ cần thêm 1 filter ND8 (nếu bạn thích chụp chuyển động chậm và các tia sóng biển lúc bình minh, hoàng hôn ) hoặc 1 filter ND1000 ( nếu bạn thích phơi sáng ban ngày lâu 15-30s hoặc lâu hơn để có mặt nước bồng bềnh như sương hoặc các dải lụa mây cuốn qua núi )


    Đối với filter GND: GND8 medium là miếng filter đa dụng nhất bạn có thể dùng nó trong mọi hoàn cảnh khác nhau từ bình minh ở biển cho đến hoàng hôn thành phố hay trên các dãy núi trùng điệp. Sau đó tùy theo nhu cầu bạn có thể đầu tư thêm Reverse hoặc Soft để tối ưu cho các điều kiện chụp riêng hoặc dùng kết hợp với Medium để có hiệu ứng giảm sáng bầu trời mạnh hơn.
    Đối với filter CPL: Các hãng lớn thường sẽ tặng kèm CPL trong bộ Holder và filter tặng kèm này sẽ có ren để sử dụng chung với holder đó. Các filter CPL tròn mua lẻ ở ngoài sẽ không dùng chung với bộ filter vuông được các bạn nên để ý vấn đề này. Demo filter Nisi Pro CPL được tặng kèm với bộ holder Nisi

    Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào các bạn có thể liên hệ trực tiếp với DigitalZone để được giải đáp một cách đầy đủ nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *